Bà bầu có nên xoa lưng?

Ngày đăng 24/09/2021 15:05

Khi mang thai, cơ thể người mẹ thay đổi khá nhiều từ nội tiết tố đến tâm sinh lý và  đặc biệt là thể chất, vì vậy mẹ bầu không tránh được sự mệt mỏi, căng thẳng và nhất là tình trạng đau lưng.

ba-bau-co-nen-xoa-lung

Bà bầu có nên xoa lưng?

Đau lưng thường xuất hiện ở những tháng đầu và cuối của thai kỳ. Những tháng đầu là do khu vực tử cung, bụng của người mẹ phải căng ra đón nhận sự xuất hiện của thai nhi nên ảnh hưởng đến dây chằng và các dây thần kinh gây ra đau lưng ở vùng thắt lưng, hông eo.

Khi thai nhi phát triển lớn ở những tháng cuối thai kỳ, sức nặng của em bé cùng với sự tăng cân của người mẹ gây áp lực lớn lên vùng xương chậu và cột sống nên gây đau lưng và đau mỏi toàn cơ thể; kèm theo đó là tâm lý căng thẳng chờ đợi ngày sinh nở, vận động khó khăn, nhiều mẹ bầu còn bị mất ngủ, chuột rút… vô cùng mệt mỏi.

ba-bau-co-nen-xoa-lung-1

Chính vì vậy, nhiều mẹ bầu thèm muốn cảm giác được massage thư giãn để xoa dịu những cơn đau mỏi; nhất là massage bụng, massage lưng để giảm căng thẳng, áp lực, giúp bà bầu cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn.

Tuy nhiên, theo các bác sỹ chuyên khoa, việc massage cho bà bầu rất cần thận trọng; dù có thể mang lại nhiều lợi ích nhưng nếu thực hiện không đúng cách thì thành lợi bất cập hại, bởi cơ thể bà bầu đang trong trạng thái rất đặc biệt, kèm theo đó là sự phát triển của thai nhi trong bụng nên nếu massage dù chỉ là động tác xoa lưng cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ và bé.

ba-bau-co-nen-xoa-lung-2

Xoa lưng nếu quá thường xuyên và làm với cường độ mạnh có thể gây ra tình trạng kích thích tử cung, khiến tử cung co thắt mạnh dẫn đến động thai, sảy thai nếu ở những tháng đầu thai kỳ. Còn nếu ở những tháng cuối thai kỳ thì xoa lưng có thể gây ra đẻ non đối với những thai phụ bị rối loạn đông máu, thai bám mặt trước, có tiền sử sinh non…

Vì vậy, việc xoa lưng nên hạn chế tối đa khi bà bầu đang trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ; tương tự với hạn chế xoa bụng. Trong những tháng giữa của thai kỳ, khi thai nhi đã phát triển ổn định thì việc massage có thể được áp dụng với điều kiện có sự tư vấn và hướng dẫn của bác sỹ.
Ngay cả với trường hợp bà bầu muốn xoa kem chống rạn da thì cũng cần thực hiện hết sức nhẹ nhàng, tránh tác động sâu và mạnh sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.

ba-bau-co-nen-xoa-lung-3

Nếu bà bầu bị đau mỏi cơ thể, khó chịu, stress… thì có thể áp dụng các bài massage đầu, massage chân, massage tay cũng rất có tác dụng giúp khí huyết lưu thông; giảm các triệu chứng phù nề chân, đau đầu, mất ngủ. Ngoài ra, bà bầu nên nghe nhạc để thư giãn tinh thần; có thể tập các bài yoga dành cho bà bầu để thả lỏng và kéo dãn cơ xương khớp đúng cách, giúp giảm đau mỏi và chuẩn bị cho việc sinh nở được thuận lợi, dễ dàng.

Như vậy, các bà bầu nên tránh xoa lưng thường xuyên, nhất là trong thời gian đầu và cuối thai kỳ; nếu muốn thực hiện massage thì cần tham khảo ý kiến của bác sỹ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.